Radeon 5000 series được AMD kỳ vọng rất nhiều với kiến trúc đồ họa RDNA mới cũng như GPU Navi sản xuất trên tiến trình 7nm đầu tiên, chưa kể là kết nối PCIe 4.0. Với những công nghệ này, AMD hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo của card đồ họa Radeon vốn vẫn còn thua khá xa so với những giải pháp của đối thủ truyền kiếp Nvidia. Vậy Radeon RX 5000 mạnh tới đâu? Trong bài này mình sẽ cho anh em thấy cái nhìn sơ lược về hiệu năng của phiên bản Radeon RX 5700 XT – mạnh nhất trong dòng Radeon RX 5000 series tính đến thời điểm này.
Phiên bản mình mượn được từ AMD là Reference Edition (RE) – phiên bản với thiết kế tham chiếu giống như chiếc Radeon RX Vega 64 từng đánh giá cách đây 2 năm, hiện tại AMD vẫn chưa tung ra phiên bản Frontier như dòng Vega và cũng không chắc là sẽ có dòng này, riêng các đối tác làm card đồ họa của AMD như ASUS, MSI, Gigabyte … đều đã rục rịch với các phiên bản custom.
Tạm gọi là Radeon RX 5700 XT RE, chiếc card năm nay đẹp hơn so với các thế hệ trước. Backplate vẫn được làm bằng kim loại khá dày, phần vỏ được làm bằng nhôm với các đường vân khắc sâu rất cao cấp và AMD còn uốn lượn một chút khiến nó điệu hơn so với thiết kế tham chiếu cũ có phần hơi chán. Thực ra đây là chủ đích thiết kế của AMD nhằm giảm độ ồn cho quạt khi nó quay ở tốc độ cao.
Mặt hông card, hướng ra ngoài khi cắm vào khe PCIe trên bo mạch sẽ là logo Radeon phát sáng cùng với các đường màu đỏ nhắc cho người ta nhớ đây là hàng của đội đỏ và socket 8 + 6 pin PCIe cấp nguồn.
Tản nhiệt vẫn có thiết kế lồng sóc với 1 quạt, cá nhân mình thấy quạt này to hơn chút so với quạt của phiên bản Radeon RX Vega 64 RE lần trước. Luồng gió được quạt hút vào từ bên ngoài, đẩy qua heatsink tích hợp bên trong và sau cùng hơi nóng thải ra ngoài ở phía sau card. Lần này trên RX 5000 series, AMD sử dụng tản nhiệt buồng hơi – một sự nâng cấp đáng chú ý nhằm giúp cho GPU vận hành mát hơn.
Đầu trên của card có thiết kế rất ngầu, chưa từng có trên card của AMD xưa nay với họng lấy gió cho quạt. Đầu còn lại phần lớn không gian dành cho các khe giải phóng luồng khí nóng và 4 cổng trình xuất gồm 3 x DisplayPort 1.4 và 1 x HDMI. Không có cổng trình xuất USB-C DisplayPort – mình thì lại rất thích cổng này bởi nó sẽ tăng sự tiện dụng khi sử dụng với các loại màn hình USB-C như LG UltraFine.
Navi và kiến trúc RDNA mới của AMD
Navi là tên của con GPU bên trong dòng card Radeon RX 5000 series, phiên bản dùng trên Radeon RX 5700 XT là Navi 10 còn điểm nhấn công nghệ ở đây là kiến trúc đồ họa RDNA.
RDNA là kiến trúc đồ họa thay thế cho GCN – một kiến trúc đồ họa được AMD sử dụng trên các dòng GPU của mình từ năm 2012 đến nay. Không chỉ được dùng trên GPU cho card đồ họa chơi game hay card đồ họa chuyên nghiệp như dòng Radeon Instinct, GCN còn là kiến trúc của GPU trên Xbox One và PS4 – 2 hệ máy chơi game console rất thành công của Microsoft và Sony. Thế nhưng kiến trúc GCN đã trải qua hơn 5 thế hệ, điển hình như GPU Vega 20 trên Radeon VII – dù được sản xuất trên tiến trình 7nm nhưng nó vẫn dùng kiến trúc GCN 5.1. Thêm vào đó GCN chưa đạt được hiệu năng cao so với mức điện năng mà nó tiêu thụ, GPU khó đạt được xung nhịp cao thành ra RDNA và tiến trình 7nm hứa hẹn sẽ thay đổi điều này.
Có một điểm khác biệt chính trên RDNA và GCN là hệ thống SIMD (Single Instruction, Multiple Data). Đây là một kiến trúc xử lý nằm sâu bên trong GPU và có thể hình dung nó như một cái cổng để xử lý các nhóm chỉ thị trong đó bao gồm những chỉ thị xử lý thành phần đồ họa gọi là wavefront và trước đây với kiến trúc GCN, AMD khai thác Wave64, hình dung là 64 luồng đi qua cổng SIMD. Tuy nhiên SIMD trên GCN lại chỉ có thể đáp ứng 16 luồng đi qua một lúc tức SIMD16 thành ra để xử lý Wave64 hay 64 luồng thì phải đợi 4 chu kỳ xung. Trên RDNA, AMD thay đổi độ rộng của SIMD thành 32 tức SIMD32 đồng thời khai thác wavefront Wave32 vậy nên anh em có thể hình dung 32 luồng sẽ có thể đi qua cổng SIMD cùng 1 lúc thay vì phải đợi 4 chu kỳ xung như Wave64. Từ đó hiệu năng, mức tiêu thụ điện năng trên mỗi chu kỳ xung sẽ được tối ưu. AMD nói là kiến trúc RDNA sẽ cải thiện hiệu năng/xung 25%.
Kết hợp giữa những cải tiến về kiến trúc, thay đổi về hệ thống bộ đệm đa lớp, cải tiến xung nhịp và tiến trình 7nm thì RDNA sẽ mang lại hiệu năng/watt cao hơn 1,5 lần so với GCN 5.0 trong khi tiêu thụ ít điện năng hơn 23%. Kích thước đế chip cũng nhỏ hơn rất nhiều so với Vega, như Navi 10 chỉ 251 mm2 trong khi Vega 10 đến 495 mm2.
Radeon RX 5700 XT với Navi 10 có 40 CU > mỗi CU có 64 nhân > 2560 Stream processor. Mỗi CU có 4 TMU > 160 TMU đi kèm với 64 ROP. Phiên bản Radeon 5700 không XT sẽ có 36 CU và số nhân Stream cũng ít hơn. Điều đáng chú ý là dù không có quá nhiều số nhân Stream, số đơn vị xử lý texture cũng ít hơn so với dòng Vega nhưng Navi có ưu điểm lớn về xung nhịp. AMD công bố mức xung cơ bản của Navi 10 trên Radeon RX 5700 XT là 1605 MHz – cao hơn cả mức xung Boost của RX Vega 64 và mức xung tối đa của Radeon RX 5700 XT có thể đạt 1905 MHz – một mức xung chưa từng có trên GPU của AMD. Thực tế mình theo dõi khi chơi game, mức xung tối đa thậm chí còn trên 1905 MHz tùy theo tình huống, nó giống như công nghệ XFR trên dòng CPU Ryzen. Như vậy sự cải tiến về xung nhịp trên Navi nhờ kiến trúc RDNA rất rõ ràng.
Radeon RX 5700 XT có giá 399 USD – đã giảm 50 USD so với mức giá công bố trước đó. Mức giá này hiển nhiên rẻ hơn so với Radeon RX Vega 64 khi mới ra mắt tức 499 USD. Một trong những yếu tố khiến Radeon RX 5700 XT rẻ hơn đó là sử dụng bộ nhớ GDDR6 thay vì HBM2. Trên các phiên bản card đồ họa cao cấp của AMD thì hãng luôn sử dụng HBM2. Loại bộ nhớ này có chi phí cao, ưu điểm về băng thông lớn khi độ rộng bus lên đến 4096-bit trên Radeon VII hay 2048-bit trên Vega 64 nhưng nhược điểm là xung nhịp hay tốc độ bộ nhớ không cao với 4 Gbps trong khi GDDR6 đã là 14 Gbps. Vì vậy với độ rộng bus 256-bit thấp hơn nhiều so với HBM2 nhưng với ưu điểm về tốc độ, GDDR6 trên Radeon RX 5700 XT vẫn mang lại băng thông đến 448 GB/s, thua một chút so với băng thông của RX Vega 64 là 484 GB/s.
Thêm một điểm mới nữa trên Radeon RX 5700 XT là việc nó hỗ trợ giao tiếp PCIe 4.0 x16. Đây là thế hệ PCIe thứ 4 với băng thông tăng gấp đôi so với PCIe 3.0 x16. Hiện tại một lane của PCIe 3.0 có băng thông 985 MB/s mỗi chiều thì PCIe 4.0 sẽ gấp đôi lên. Như vậy với kết nối PCIe 4.0 x16 thì băng thông của nó sẽ là 32 GB/s mỗi chiều hay 64 GB/s 2 chiều (bi-directional), gấp đôi PCIe 3.0 x16 với tối đa 16 GB/s hay 32 GB/s bi-directional. Có thể hình dung đơn giản PCIe 3.0 x16 có băng thông chỉ tương đương với PCIe 4.0 x8. Tuy nhiên, để khai thác PCIe 4.0 x16 thì bạn sẽ cần cả bộ đôi Ryzen 3000 series mới và bo mạch chủ X570. Hiện tại GPU khó có thể khai thác hết băng thông khổng lồ của PCIe 3.0 x16 chứ chưa nói đến PCIe 4.0 x16, thành ra mình nghĩ băng thông của PCIe 4.0 sẽ rất lý tưởng với những ai dùng đa GPU CrossFire hơn là đơn GPU.
Benchmark:
Hệ thống mình dùng để benchmark vẫn là Intel Core i9-9900K để đảm bảo độ công bằng về kết quả giữa các phiên bản card được so sánh:
- CPU: Intel Core i9-9900K 8 nhân 16 luồng, cho chạy 5 GHz toàn nhân;
- MOBO: Gigabyte Aorus Z390 Pro Wi-Fi
- RAM: 2 x 8 GB DDR4-3600 G.Skill SniperX
- SSD: WD Black PCIe 256 GB (OS + Tools)
- HDD: WD Black 2 TB (Game)
- PSU: Thermaltake ToughPower Grand RGB 850 W 80+ Gold.
- Màn hình: ViewSonic VX3276-2K
Bài test 3DMark mình lấy điểm graphics và so giữa các phiên bản card đồ họa khác nhau thì anh em có thể thấy Radeon RX 5700 XT đạt điểm số rất cao, cao hơn nhiều so với GeForce RTX 2060 và thấp hơn một chút so với RTX 2080 ở một số bài test nhất định. Radeon RX 5700 XT làm rất tốt với DirectX 11, ở đây là bài test FireStrike, phân giải FHD hay 2K đều cao, ngang ngửa với RTX 2080 nhưng lại tỏ ra hơi đuối với DirectX 12, cụ thể là bài test Time Spy với sự cách biệt về điểm số nhiều hơn so với RTX 2080 và mình nghĩ nó sẽ gần với 2070 hơn.
Với AIDA64 GPU Benchmark, kiểm chứng những thông số được AMD đưa ra thì hiệu năng FP32 của Radeon RX 5700 XT đạt trên 10 TFLOPS trong khi AMD nói là 9.75 TFLOPS, xạo quá hà 😁. Riêng FP64 thì bộ đôi của AMD trong bảng trên luôn có ưu thế hơn so với các giải pháp của Nvidia. Ở bảng dưới là băng thông và tốc độ bộ nhớ GDDR6. Do dùng cùng loại bộ nhớ và cùng độ rộng bus thành ra Radeon RX 5700 XT tốc độ 382 GB/s (Mem Copy đọc xong ghi), tốc độ đọc và ghi ngang ngửa với các dòng card của Nvidia.
AMD từng nói Radeon RX 5700 XT tối ưu cho game 2K và điều này đúng!
Những con số trên chỉ cho anh em hình dung sơ lược về khả năng của Radeon RX 5700 XT, nó mạnh tới đâu và nằm ở đâu trong bảng đồ card đồ họa hiện tại. Còn giờ là con số thực tế trên 6 tựa game mình test. Có một điều mình muốn lưu ý là Radeon 5000 series vẫn không hỗ trợ các công nghệ như Ray Tracing, DLSS đặc trưng như Nvidia. Những chiếc card đồ họa của Nvidia dòng RTX được so sánh mình cũng cho tắt Ray Tracing và DLSS trong game để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
2 tựa game DirectX 11 là PUBG và Ghost Recon Wildlands. Nếu anh em vẫn còn chơi PUBG mỗi ngày thì Radeon RX 5700 XT sẽ không khiến anh em thất vọng nhất là ở độ phân giải 2K, trên 100 fps ở thiết lập đồ họa Ultra. Mình không có màn hình 4K để test nhưng 2K với khung hình trên 100 fps đã là quá đủ để có được trải nghiệm mượt mà. Tương tự với Wildlands, 2K Ultra đạt gần 60 fps và FHD trên 60 fps. Đây là một tựa game rất nặng, thế giới mở và đặc biệt ở độ phân giải Ultra, chi tiết đồ họa môi trường được đẩy lên rất cao. Mình chơi Wildlands mỗi ngày và tạm hài lòng với những gì Radeon RX 5700 XT mang lại bởi đây là một tựa game góc thứ 3, mình chơi theo team nên không quá căng thẳng.
Chuyển sang các tựa game DirectX 12, những chiếc card đồ họa của Nvidia đang làm rất tốt khi mang lại hiệu năng tối ưu hơn với nền tảng API này, Radeon RX 5700 XT cũng đủ tốt. Chuyển qua Shadow of the Tomb Raider thì mọi thứ khá hơn, 73 fps ở 2K Highest, cao hơn khoảng 15 fps so với RTX 2060 và ở FHD, Radeon RX 5700 XT mang lại khung hình trên 100 fps.
Không thể thiếu Battlefield V và Metro Exodus ở hạng mục DX12, Radeon RX 5700 XT cho khung hình 95 fps ở màn đầu tiên của phần Normandy với đồ họa 2K, Ultra (mình luôn chọn màn chơi này để test game bởi nó có khúc trượt tuyết, có tuyết rơi với từng bông tuyết nhỏ, có ánh sáng trăng ban đêm và đèn, cây cối đủ thứ, rất phù hợp để thử sức cho mọi GPU) và trên 120 fps với đồ họa FHD, Ultra. Metro Exodus thật ngạc nhiên không làm khó được Radeon RX 5700 XT khi nó cho khung hình trên 90 fps trung bình ở 2K, Ultra.
Như vậy có thể thấy tùy tựa game mà Radeon RX 5700 XT sẽ mang lại tỉ lệ khung hình cao hay thấp. AMD từng nói rằng Radeon RX 5700 XT sẽ dành cho game 2K và điều này đã được kiểm chứng. Đa phần các tựa game mình chơi đều đạt khung hình từ 60 fps trở lên với driver Radeon Relive Beta.
Vẫn ăn điện nhưng ít hơn so với Vega, nhiệt độ GPU trên 80 độ C trên phiên bản Reference Edition:
Dựa trên những gì mình thấy khi chơi game thì xung của Radeon RX 5700 XT thật sự cao, trên 1800 MHz và mức ăn điện của con Navi 10 nhìn chung vẫn cao nhưng so với Vega thì đã ít hơn kha khá. Điện năng tiêu thụ thường thấy với 6 tựa game mình chơi thì các tựa game DX12 luôn khiến Radeon RX 5700 XT ăn nhiều điện nhất, từ 180 – 185 W, riêng DX11 thì luôn dưới 180 W, chẳng hạn như Ghost Recon Wildlands khiến nó ăn chỉ 160 – 165 W với đồ họa tối đa. Như vậy với độ ăn điện thấp hơn so với Vega, xung cao hơn và hiệu năng cao hơn thì rõ ràng AMD đã không nói ngoa khi khẳng định hiệu năng/xung và hiệu năng/watt của Navi cao hơn lần lượt là 25% và 1,5 lần so với Vega.
Cũng cần lưu ý là Radeon RX 5700 XT sẽ dùng 8 + 6 pin nguồn PCIe và AMD gợi ý PSU phải từ 600 W trở lên. Mình dùng nguồn 850 W dư sức kéo chiếc card này và Core i9-9900K, anh em trước khi mua nên kiểm tra cục nguồn của mình nhé, tránh tình trạng mua về phải đổi luôn cục nguồn thì lại tốn thêm một khoản nữa không nhỏ.
Nhiệt độ thì cũng tùy tải nhưng đa phần đều trên 80 độ C khi chơi game bật đồ họa tối đa và phân giải 2K. Thiết kế tản nhiệt kiểu blow-out như phiên bản Reference Edition này dù đã được AMD cải tiến với buồng hơi vampor nhưng nhìn chung vẫn chưa khiến Navi 10 mát hơn. Đôi khi nhiệt độ đột nhiên tăng lên 85 độ C khiến xung tụt khiến khung hình tụt theo. Vì vậy mình nghĩ rằng nếu anh em muốn mua Radeon RX 5700 XT thì nên chọn các phiên bản custom của các hãng OEM như ASUS, MSI, Gigabyte … bởi họ luôn trang bị cho những chiếc card hệ thống tản nhiệt tối ưu nhằm giữ hay thậm chí là OC xung của GPU, mang lại hiệu năng cao hơn và ổn định hơn so với các phiên bản gốc từ AMD.
Mình chỉ mượn được chiếc card này trong thời gian ngắn và hy vọng những chia sẻ trên đã giúp anh em hình dung về sức mạnh của Radeon RX 5700 XT cũng như GPU Navi 10 và sự cải tiến của kiến trúc RDNA. Tính năng PCIe 4.0 mình vẫn chưa test được nhưng khả năng trong tuần tới mình sẽ có một chiếc bo X570 để test xem có gì chênh lệch với PCIe 3.0 không.
Vậy anh em chọn đội đỏ hay xanh, đồng giá thì anh em sẽ mua RTX Super hay Radeon RX 5000 series?
*Chỉnh sửa: Mình gặp lỗi với tựa game Far Cry New Dawn, đã test lại với card khác và kết quả cũng sai lệch nhiều, vì vậy mình bỏ kết quả của tựa game này để đảm bảo công bằng.
Nguồn: Tinhte.vn